GXHX - Hồi nhỏ, ở nhà quán quê tôi (giáo xứ Hoàng Xá) có một tấm hình khá lớn, tấm hình đó vẽ một một người mặc áo đen, đội mũ màu đỏ đang cầm chèo trên con thuyền giữa sóng gió, dưới tấm hình ghi một dòng chữ : “Anh chị em hãy vững lòng giữ Đạo và sốt sắng nguyện cầu”.
Ngày ấy thật sự chẳng biết hình đó là ai ? Và ý nghĩa của hình đó là gì, tôi cứ nghĩ là Đức Giáo Hoàng ? dốt thế không biết. Sau này lớn lên, mới biết đó là hình của Đức Cha Đa Minh Đinh Đức Trụ, kỷ niệm lần về thăm Hoàng Xá, câu nói nổi tiếng ấy đã được “tạc” vào trong lòng mỗi người dân. Bây giờ khi nghĩ lại, tấm hình đã làm toát lên được hình ảnh người Cha thật tuyệt vời, Ngài đã lèo lái con thuyền của GP trong cơn sóng gió, vượt qua các ghềnh, thác của thế gian. Và đây là một trong những khẩu hiệu của Ngài, chắc rằng không chỉ Ngài nói ở giáo xứ tôi, nhưng là nói với tất cả người tín hữu, cũng như câu : “Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết” của Ngài cũng để lại cho đời sau – giáo dân Thái Bình một đức tin kiên vững và mạnh mẽ.
Càng tìm hiểu, càng khâm phục và ngưỡng mộ. Không ngưỡng mộ sao được khi biết rằng khi nhận được gậy, mũ Giám Mục từ bên Tòa Thánh gửi về cho Ngài, Ngài biết đó là sứ vụ và Ngài đã nâng cậy gậy mục tử ấy lên và nói : Chỉ những ai sẵn sàng thí mạng sống cho đoàn chiên của Giáo Hội mới xứng đáng cầm cây gậy này. Không chỉ nói, Ngài còn hoạt động mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, với khẩu hiệu Giám Mục “Lính tốt của Chúa Kitô – Bonus Menes Christi”. Và, cây gậy ấy không phải chỉ để làm cảnh, để oai, nhưng là vũ khí để chống lại những âm mưu chia rẽ đoàn chiên cách này hay cách khác. Có lẽ, Ngài là một trong những vị Giám Mục đầu tiên của GH Việt Nam khi truyền chức mà phải âm thầm, lịch sử còn ghi lại. Khi sắc phong của Tòa Thánh được ban cho Đức Cha, Ngài đã phải “ngụy trang” thành một ông xích lô lên Gp Hà Nội để chịu chức dưới bàn tay của một vị Giám Mục cũng “đầy tiếng thơm” khác, là Đức GM (mà sau này là Hồng y Giuse Mr. Trịnh Như Khuê). Trong tài liệu “Thái độ của các Giám Mục miền Bắc …từ 1945 đến 1975” có ghi cụ thể : “Ngài bí mật lên Hà Nội để được tấn phong Giám mục. Con đường Thái Bình – Hà nội ngót trăm cây số, Ngài đi xe xích lô. Thực ra, trên con đường dài như thế, chủ xe và khách thay nhau đạp. Lúc khởi hành là nhá nhem tối, đến Hà nội là đêm khuya. Đức Cha Trịnh Như Khuê tấn phong cho Ngài trong nhà nguyện riêng bên cạnh phòng ngủ. Chỉ có chủ phong và người được tấn phong, hoàn toàn bí mật. Lễ tấn phong xong hai “bố con” thay nhau đạp xe trong đêm khuya để về tới Thái Bình lúc trời vẫn còn tối. Lễ tấn phong thành công mỹ mãn, đúng là hành xử theo cung cách Giáo hội hầm trú thủa xưa.”
Được tấn phong rồi, Ngài lập lại cung cách tấn phong bí mật cho cha chính Bùi Chu Dominic Phạm Năng Tĩnh. Nhưng lần này không phải ở Tòa Giám Mục hay một phòng ốc nào, mà là trên con thuyền bập bềnh trên dòng sông. Trong cuộc đời của Ngài, những lần “ngụy trang” để đi làm mục vụ không phải là ít, lúc làm người chăn vịt, lúc là ông đánh dậm, cất vó. Nhiều giáo xứ, giáo họ khi Ngài đến không mấy người biết, Ngài chỉ thăm tình hình, làm mục vụ khi cần thiết. Nhiều người trong giáo xứ tôi còn kể lại rằng, có lần Ngài về đến giáo xứ (Hoàng xá), khi trò chuyện với bà Hành, một lúc lâu bà mới biết ấy là Đức Cha, thật giản dị và bất ngờ. Cũng hiểu thời ấy không như bây giờ, không có điều kiện để nhìn thấy rõ ràng Đức Cha là người như thế nào nếu không phải là người trong ban chấp hành thì mấy khi có dịp ? Trong khoảng thời gian Ngài coi sóc GP là giữa lúc chiến tranh khá ác liệt, sự đi lại của người dân vô cùng khó khăn, quyền làm người cũng có khi chẳng được nói chi đến quyền nọ quyền kia, đặc biệt là tôn giáo. Sự kỳ thị dẫn đến nhiều mưu mô, nhiều lý do vô lý có thể tiêu diệt giới chức Công Giáo bất cứ lúc nào. Dưới bàn tay kì diệu của Thiên Chúa, ĐGM Đaminh đã vượt qua nhiều những cạm bẫy ấy, nhưng cũng vào thời kỳ này, nhiều linh mục đã phải đi tù đày, và bây giờ như những chứng nhân sống của Chúa giữa dòng đời. Chính qua những lần tôi luyện ấy mà giờ đây đã làm nên những hoa trái tốt lành. Hồi nhỏ, tôi được nghe ông Nội tôi kể cho nghe câu chuyện của Đức Cha Trụ, Ngài nuôi 4 con chó rất khôn, cái tên của 4 con chó ấy cũng khá độc đáo : Tố - Điêu – Gian – Ác mỗi con ở mỗi góc hiên để canh giữ, và câu chuyện ấy kết thúc như thế nào tôi cũng chỉ biết chút ít, có lẽ những người đã từng sống bên Đức Cha thì biết rõ ràng hơn.
Trong suốt 22 năm làm Giám Mục chính Tòa, điều mà Đức Cha băn khoăn nhất là đào tạo ơn gọi. Vì hoàn cảnh thời ấy khó khăn, chủng viện Mỹ Đức mở ra đóng vào liên tục, không ổn định cho việc tuyển chọn. Tuy nhiên, theo lịch sử giáo phận Thái Bình, thì Ngài đã truyền chức linh mục cho 32 Thầy, đáng kể nhất là vừa khi nhận chức GM được khoảng 5 tháng, Ngài đã truyền chức cho 4 Thầy đã học trước đó, trong đó có Thầy Đinh Bỉnh mà sau này là GM kế vị, và linh mục Jos. Bùi văn Cẩm đang ở tại giáo xứ Sa Cát – Hoàng Diệu. Với linh mục Jos. Bùi văn Cẩm, tôi gặp Ngài nhiều lần, tại giáo xứ Sa Cát vào Tết Tân Tỵ, lúc đó Ngài đã sắp về hưu, tuy nói chuyện không nhiều, nhưng Ngài kể, hồi đó để đào tạo được một linh mục không phải dễ, phải chọn rất kỹ, thử thách rất nhiều, đặc biệt về nhân đức, khi đã chọn được Thầy nào rồi sau đó còn phải chờ nhà nước cho phép, nếu nhà nước không cho phép thì phải truyền chức “chui”, mà linh mục Jos. Bùi văn Cẩm là một điển hình. Trở lại với chủng viện Mỹ Đức, dưới thời ĐC Đaminh Đinh Đức Trụ, chủng viện được mở ra đóng vào không theo ý muốn, có lúc chủng viện đã thu nhận hàng trăm học sinh theo học, tìm hiểu ơn gọi, vừa thu nhận học sinh một thời gian lại phải buộc đóng cửa,làm cho hàng trăm học sinh theo học ấy phải về quê xây dựng gia đình. Và đây như là Thánh ý Chúa, đội ngũ học sinh này phân rải trong nhiều giáo xứ, những gì học được trong chủng viện tuy ít ỏi nhưng cũng giúp rất nhiều trong việc phát triển giáo xứ, mà sau này còn có “Hội cựu chủng viện Mỹ Đức”. Trong số này, có nhiều người đã dâng con cái làm linh mục, làm tu sĩ…
Là một người trẻ, khi Đức Cha Đaminh an nghỉ trong Chúa, tôi chưa hình thành, nhưng những gì tôi biết được theo lời kể thì thật ngưỡng mộ nhân đức của Ngài, tiếc rằng giới trẻ ngày nay ít biết đến. Một dịp khác là tháng 7/2010 tôi có công chuyện xuống khu 3 – Long Khánh, đây là địa danh thuộc xứ Long Thuận Gp. Xuân Lộc. Ở nhà bà Hoa, quê gốc ở giáo xứ Trung Đồng, hiện đang định cư tại khu Vinh Sơn – giáo xứ Long Thuận, tôi cũng được nghe nhiều lời kể của bà về ĐGM Trụ, mỗi khi kể về công việc mà Đức Cha làm, bà luôn nhấn mạnh hãy noi gương Ngài, cầu nguyện và tín thác. Trong các câu chuyện ấy, tôi đặc biệt để ý đến câu nói của Đức Cha (không biết Ngài đã nói ở đâu ?), mà theo lời bà kể thì như một lời nói tiên tri rằng : Chỉ sau vài chục năm nữa thôi, người ta không cấm Đạo các con bằng phương thức bắt bớ, bóc lột nữa đâu. Mà nó còn tinh vi hơn rất nhiều, nó sẽ len lỏi vào từng gia đình bằng cách chia rẽ các con, làm cho các con không cần Chúa nữa. Vì thế, các con hãy cầu nguyện và cầu nguyện không ngừng.
Ngẫm lại lời nói ấy, tôi thấy quả thật có giá trị, thời của tôi sống bây giờ đâu có thiếu thốn gì so với ngày trước. Nhưng giờ đây, nạn xì ke ma túy, game online, cờ bạc, rượu chè, vô cảm…đã làm hư hỏng biết bao người trẻ, nhiều người cũng chẳng ý thức được tội lỗi, và như một vị GM khác đã nói : cái tội lớn nhất của con người, là họ không còn biết tội là gì. Điều đó cho thấy người trẻ Công Giáo cần cảnh giác hơn. Cuộc đời của Đức Cha có lẽ còn nhiều những câu chuyện được truyền miệng trong những người dân đã từng ít nhiều tiếp xúc với Ngài, và những nơi Ngài đi mục vụ. Có thể còn rất nhiều những nhân đức, sự khôn ngoan và kiên quyết để giữ cho đàn chiên của mình an toàn đúng như khẩu hiệu của Ngài.Gp Thái Bình có một sự vững mạnh như ngày nay thì công lao của Người không hề nhỏ. Và đây, kỷ yếu giáo phận Thái Bình ghi: Trong 22 năm trách nhiệm chủ chăn, Ngài đã tỏ ra là một vị chủ chăn khôn ngoan và sáng suốt trong quyết định, bình dân và hiền từ trong tiếp xúc, đạo đức và hy sinh (KYGP TB trang 44). Ngày nay, Xã Hội phát triển, con người hòa nhập kinh tế thị trường, không có cảnh đàn áp người Công Giáo công khai, ít ra là những nơi như Gp Thái Bình, nhưng dường như còn nhiều vấn đề trong cuộc sống cũng như Giáo Hội địa phương chúng ta cần phải suy nghĩ. Ước gì những hi sinh của các mục tử sẽ là sinh ra những hoa trái thơm trong ngày thu hoạch của Thiên Chúa.
Năm Thánh kỷ niệm 75 năm Gp. Thái Bình 2011
Giuse Phạm Quang Đạo
Sài Gòn
http://gxhoangxa.net
ĐC:Thôn Thái Nguyên Xá Vũ Thư thái Bình
Email: gxhoangxa@gmail.com
Đt: 82 10 7510 9868 - 84 934 062 648